Thông thường một bộ khung gỗ kiến trúc Việt Nam nói riêng và kiến trúc gỗ Đông Á nói chung được xác định bởi các bộ vì. Mỗi bộ vì là một hệ thống liên kết một hàng cột chạy dọc theo chiều sâu của toà nhà, trên đó có các loại xà, rường khác nhau để đỡ bộ khung mái, khoảng cách giữa hai bộ vì được gọi là gian. Các bộ vì có thể phân nhỏ thành vì nóc (là bộ vì được xác định giữa hai cột cái, nằm ở vị trí cao nhất, đỡ lấy thượng lương), vì nách (vì nằm giữa cột cái và cột quân), vì hiên (giữa cột quân và cột hiên). Kiến trúc gỗ thời Trần cũng không nằm ngoài phong cách này, tuy nhiên đôi khi với kiến trúc sử dụng đấu củng, mỗi bộ vì có thể không nhất thiết đặt trực tiếp lên cột mà có thể đặt trên đấu củng giữa các cột, điều này giải thích một số mặt bằng khảo cổ thời Trần có cột không thẳng hàng.
Trong loại hình kiến trúc sử dụng bốn cột với hai hàng cột như chiếc cổng này, bộ vì nóc có thể đặt trên hệ thống đấu củng gác trên xà đầu cột để tạo ra bộ mái với bốn mặt mái.
Lưu ý: mô hình chỉ mang tính chất thể hiện hình dáng bên ngoài của các cấu kiện, trên thực tế, các cấu kiện sẽ luôn có thêm các rãnh mộng và lỗ chốt để liên kết với nhau.
– Nguồn: Huyền Tinh Tác Đấu –